Làng Kim Hoàng từ lâu đã trở thành điểm du lịch Hà Nội hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước. Nổi tiếng về tranh dân gian Việt Nam từ thế kỉ 18 đến thế kỉ 19, Làng tranh Kim Hoàng vẫn duy trì nghề tranh thủ công truyền thống cho đến tận ngày nay bởi tình yêu nghề của các nghệ nhân nơi đây.
Tranh Kim Hoàng được in trên nền giấy đỏ, hồng điều hoặc giấy vàng tàu tạo một vẻ đẹp rất riêng. Người nghệ nhân sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng cá nhân. Vì thế, mỗi bức tranh có một diện mạo riêng, thể hiện sự phóng khoáng, sáng tạo của người nghệ nhân.
Tranh Kim Hoàng cũng đủ loại tranh thờ cúng, chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời (Đông Hồ, Hàng Trống). Nhưng tranh Kim Hoàng lại kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh đó. Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ; màu sắc tươi như tranh Hàng Trống. Về màu, tranh Kim Hoàng dùng mực tàu, trắng là thạch cao, phấn; chàm, xanh chàm từ mực tàu hoà với nước chàm và các màu hoá học.
Những người nghệ nhân làm tranh ở Kim Hoàng đều xuất phát từ tầng lớp nông dân, vì vậy những đề tài trên tranh được họ lấy từ chính cuộc sống mộc mạc, giản dị, quen thuộc, nên dễ đi vào lòng người, làm cho khách thưởng lãm có cảm giác như trở lại tuổi ấu thơ, trở về với dĩ vãng xa xôi. Trong tranh là con trâu, con bò, lợn, gà; là đời sống làng quê, cảnh ngày Tết, ông Công, ông Táo,…Trên những bức tranh của họ không chỉ có hình ảnh, mà có những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo phía trên góc trái bức tranh. Điều này đã tạo sự khác biệt cho dòng tranh Kim Hoàng, mà dòng tranh khác không hề có. Cả thơ và hình vẽ được thể hiện trong một bức tranh tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ. Có được điều này là do các nghệ nhân không chỉ biết thông thạo chữ Hán, mà phải có tầm hiểu biết nhất định để thể hiện được cái tài hoa lên tranh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét